Vì trái tim có hình ngọn lửa, nên dù yêu con đến mấy, cha mẹ cũng cần phải biết “tàn nhẫn”, cần phải đẩy con ra khỏi vòng tay ấm áp của mình, dằn lòng tập cho con quen với nghịch cảnh và cố giữ một ánh nhìn lạnh nhạt để con tự chống chọi với khó khăn. Cha mẹ chỉ nên đứng từ xa, dùng tình yêu thương của mình để thắp lên ngọn lửa nghị lực, giúp con trưởng thành với một trái tim quả cảm, nhiệt thành và mạnh mẽ. Và như vậy, “tàn nhẫn” cũng là “yêu thương”, một dạng thức yêu thương có trách nhiệm để đem lại cho gia đình một đứa con ngoan, và trao cho xã hội một công dân tốt.
Sara Imas là một bà mẹ Trung Quốc mang trong mình dòng máu Do Thái. Sau khi quan hệ Trung Quốc – Israel được thiết lập, trước tiếng gọi trở về của cố hương, Sara đã từ bỏ cuộc sống an yên ở Thượng Hải, mang theo ba đứa con thơ để trở về Israel, nơi đồng bào của bà đang phải ngày ngày chịu đựng khói lửa chiến tranh, bắt đầu một trải nghiệm giáo dục đặc biệt của mình. Khác với tập 1, “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương 2” đã đối chiếu một cách biệt lập giữa phương thức nuôi dạy con của người Trung Quốc và người Israel. Tác giả không ngần ngại phơi bày những bất cập vốn tồn tại đã lâu trong cách nuôi dạy con của người Trung Quốc, đồng thời nêu bật những quan điểm về tình mẫu tử, những giá trị thiết thực trong nền giáo dục Do Thái.