Mọi người biết đến Gabriel García Márques – nhà văn vĩ đại người Colombia qua những tác phẩm nổi tiếng như: “Ngài đại tá chờ thư”, “Tình yêu thời thổ tả”, “Tướng quân giữa mê hồn trận”, “Trăm năm cô đơn” (tác phẩm đoạt giải Nobel Văn Học năm 1982), và gần đây là tác phẩm Sống để kể lại… Ông không chỉ là một nhà văn nổi tiếng mà còn là một phóng viên chiến trường kỳ cựu với những kí sự nổi tiếng thập niên 70’, 80’, 90’.
Các tác phẩm của ông đều mang đậm bản sắc châu Mỹ La- tinh, toát lên sự giản dị của tâm hồn hay sự nhạy cảm của nội tâm. Ông như sống với trăn trở của từng nhân vật, từng số phận trong tác phẩm của mình; chính vì vậy bạn đọc luôn đón nhận tác phẩm của ông với sự trân trọng. Với tư duy nghệ thuật độc đáo, Márquez đã thể hiện trong các tác phẩm của mình một tình yêu vừa thơ ngây vừa sâu sắc, mãnh liệt đối với con người, với cuộc đời. Ông đã từng nói: “Trên thực tế, mỗi nhà văn chỉ viết một cuốn sách.
Cuốn sách mà tôi đang viết là cuốn sách về ‘Cái cô đơn.” Quả thực, sau hơn 50 năm cầm bút, Márquez vẫn viết về cái cô đơn trong một câu chuyện khác, tác phẩm “Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi”. Hồi Ức Về Những Cô Gái Điếm Buồn Của Tôi là câu chuyện của một nhà báo già, sinh ra trong một gia đình trung lưu nhưng ông sớm mồ côi cha mẹ. Trong căn nhà cũ kỹ, ông đã sống một cuộc sống hoàn toàn cô độc, không vợ con, không bạn bè. Ông đã từng dạy ngữ pháp tiếng La tinh và Tây Ban Nha. Sau đó, ông biên tập tin tức và viết bình luận âm nhạc cho một tờ báo địa phương đến năm 90 tuổi. Và chính trong buổi sáng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của mình, ông bỗng ao ước có một đêm tình ái nồng say với một thiếu nữ còn trinh nguyên. Cái ý muốn kỳ lạ đó thôi thúc tâm trí ông đến độ ông phải tìm cách liên hệ với một người đàn bà mối lái mà ông quen từ ngày còn trẻ, nhờ bà ta giúp đỡ bất chấp nỗi xấu hổ. Ông đã đến nơi hẹn với một cô bé đang ngủ say. Khi ra về, ông đặt lên trán cô nụ hôn vĩnh biệt và lời cầu Chúa giữ hộ trinh tiết cho cô. Thế nhưng, chính sự cô đơn của tuổi già đã khiến ông nhiều lần nữa đến gặp cô bé. Mỗi lần, ông lại thêm yêu thương cô. Ông đem những bức tranh, những bó hoa, những cuốn sách… bày trong căn phòng để sớm mai, khi thức dậy, cô bé cảm thấy ấm cúng. Ông hát ru cô bé về Delgadina – cô công chúa út được vua cha yêu quý. Ông gọi cô là Delgadina. Ông nhận thấy sự hiện diện vô hình của cô trong căn nhà vắng lặng của mình. Cuộc sống nhàn tẻ, nghèo cực của ông như có một ý nghĩa, đó là niềm yêu thương, lo lắng cho tương lai của cô bé. Lần đầu tiên, ông nhận ra rằng: “Niềm thích thú thực sự là khi được ngắm nhìn thân thể người phụ nữ ngủ say mà không bị áp lực của dục vọng hay bối rối vì ngượng ngùng.”