Thái độ của nhà văn đối với kịch rất đặc biệt, nhiều mâu thuẫn. Một mặt ông xem đó là một ngành nghệ thuật “có ảnh hưởng nhất”, “quan trọng nhất”, là “công cụ quan trọng của tiến bộ”. Mặt khác, ông lại cũng tỏ ý coi thường hình thức kịch, cho nó giả tạo, thấp kém, chỉ dành cho những kẻ yếu đuối. Ông là nhà văn cổ điển Nga duy nhất để lại cả một quan niệm hoàn chỉnh về kịch, với hai luận văn lớn “Nghệ thuật là gì?”(1883) và “Về Shakespeare và về kịch” (1903). Nhà văn quan tâm và viết kịch hầu như suốt cuộc đời sáng tác của mình, và đặc biệt, như hiện tượng có tính biểu tượng, những vở kịch quan trọng nhất của nhà văn ra đời trong khoảng thời gian giữa thời điểm kết thúc của “cha đẻ nền sân khấu hiện thực truyền thống” A.Ostrovsky và thời điểm khởi đầu của nền kịch mới với A. Chekhov: vở “Quyền lực bóng tối” ra đời năm Ostrovsky qua đời (1886), và “Thi hài sống” xuất hiện đồng thời với “Ba chị em” của Chekhov (1900).