Tuổi trẻ là một khối dồn nén. Nó có sức phá hoại đến nỗi, vào một thời điểm những tưởng đã quay lưng với cuộc đời, ta chợt nhìn lại và thấy vần vũ quanh mình những gương mặt, mối tình, những lần gặp gỡ, các cảm xúc chân thực và sống động như dao cứa. Đó là tình cảnh của Roland, nhân vật tuy xuất hiện về cuối trong “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” (Trần Bạch Lan dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học) nhưng lại là mắt xích giải đáp cho mớ ngổn ngang còn lại. Một ngày bước qua quán cà phê La Condé thời xưa cũ rồi nhận ra quán đã đổi thành một cửa hiệu khác, Roland tái dựng ký ức về một cô gái mà anh đã gặp, đã yêu và đánh mất.
Ngay từ giọng kể đầu tiên, người kể đã bị ám ảnh bởi những bóng ma xung quanh một ký ức “tập trung” về những năm 1960 (tác phẩm ra đời 40 năm sau sự kiện tháng Năm 1968). Một giọng vô danh nhưng là hiện thân của tác giả với vai trò định vị không thời gian, tiết lộ những bí ẩn về nhóm khách năng lui tới quán Le Condé (“sống một cuộc đời lưu đãng, không phép tắc và cũng không đoái hoài tới ngày mai”).