Tào Tháo là một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, sau khi chết cả ngàn năm vẫn còn bị bình luận đánh giá một cách không công bằng.
Vì sao Tào Tháo lại bị chửi rủa suốt thiên niên vạn đại? Có năm nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là, nhà Ngụy của Tào Tháo ở miền Bắc, mà Trung Quốc từ thời Nam Bắc Triều, Nam Tống về sau, chính thống của người Hán đều ở miền Nam, vì vậy Tào Tháo dễ trở thành nhân vật phản diện của hiện thực phản chiếu. Hai là, khí vận nước Ngụy của Tào Tháo ngắn, chỉ được hai mươi năm, đương nhiên sẽ ít có văn nhân viết về nó. Ba là, cha con Tào Tháo lấy Ngụy thay Hán là một sự thực lịch sử. Bản thân Tào Tháo không xưng đế nhưng đã chuẩn bị cơ sở cho con là Tào Phi xưng đế. Khi Tôn Quyền dâng thư khuyên Tào Tháo xưng đế, ông nói: “Thằng nhỏ đó xui ta ngồi lên lò than đây mà”. Khi quần thần mời ông xưng đế ông nói: “Nếu có thiên mệnh thì ta làm Chu Văn Vương”. Điều đó nói lên rất rõ là ông sẽ để con mình hoàn thành nốt nhiệm vụ cuối cùng là thay thế triều đại cũ. Với cái nhìn từ quan điểm chính thống thì đó đương nhiên là một sự soán nghịch. Bốn là, tư tưởng chính trị của Tào Tháo, đương thời là một loại phản động, ví dụ trọng dụng người “bất nhân bất hiếu nhưng biết trị quốc dụng binh” (lệnh cử hiền không câu nệ phẩm hạnh). Thứ năm, Tào Tháo quả thực là con người lắm quyền mưu cơ trí, như lúc nhỏ đã giả bị trúng phong để đấu trí với chú ruột, cắt râu thay đầu để lệnh toàn quân… Loại truyện như vậy lưu truyền miệng thế dễ bị thêu dệt thành hình tượng gian hùng.
Hai điểm trước không cần giải thích thêm, điểm thứ ba lấy Ngụy thay Hán, với con mắt người thời nay mà xét khí số nhà Hán đã tận, vương triều khác mạnh lên sẽ thay thế, đó là con đường chính đáng để đổi mới lịch sử, có gì không nên? Ngược lại nếu cha con Tào Tháo không thể thành công thì mới là điều đáng tiếc! Đối với vấn đề về phương diện sách lược tư tưởng của Tào Tháo, ông đã phản kích lại nho học chính thống đã bị phép tắc kỷ luật làm cho lỗi thời. Chính là tinh thần “có tài là tiến cử”, tinh thần Chu Công “cầu người tài như khát nước” đã khiến cho Tào Tháo thu hút, tập hợp được đông đảo hiền sĩ. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp ông chiến thắng Ngô Thục và những tập đoàn cát cứ khác. Về sự quyền mưu cơ trí của Tào Tháo, đây chính là ma lực thường trực trong tính cách của nhân vật này. Ngày nay các nhà doanh nghiệp trên thế giới cũng quan tâm nghiên cứu học tập mưu lược Tào Tháo, coi đó là nghệ thuật giành thắng lợi trong cuộc chiến thương trường.