Marta Rojas sinh năm 1931 tại Santiago de Cuba, tốt nghiệp trường báo chí Manuel Márquez Sterling ở La Habana năm 1953. Sự nghiệp báo chí của bà khá đồ sộ, để lại dấu ấn sâu đậm trong nền báo chí Cuba ở tính chân thực và sức chiến đấu mạnh mẽ. Nhà văn lớn của Cuba – Alejo Carpentier đánh giá cao Marta Rojas: “Các bài viết của bà là mẫu mực của phong cách báo chí lớn”.
Những người tham gia cuộc tiến công Moncada năm 1953 còn được gọi là “Thế hệ một trăm năm”. Ngay hồi đó, trong bản tự bào chữa, Fidel đã nói: “Một ngày nào đó họ (những chiến sĩ hy sinh vì độc lập dân tộc) sẽ được đào lên và mang trên vai nhân dân đến tượng đài bên cạnh mộ José Martí, Tổ quốc tự do sẽ dựng lên tượng đài “Các liệt sĩ của Thế hệ một trăm năm”; và, ông dẫn lời của José Martí: “Trên đời cần phải có lòng danh dự như là cần ánh sáng mặt trời. Khi không có nhiều người có lòng tự trọng thì luôn luôn có những người khác mang trong mình lòng tự trọng của rất nhiều người. Những con người đó là những người đứng lên với sức mạnh mãnh liệt chống lại những kẻ tước quyền tự do của các dân tộc, là tước đoạt phẩm giá của những người đó. Trong những người đó có nhiều nghìn người, có cả một dân tộc, có nhân phẩm…”.
Với phong cách viết trực tiếp, chuẩn xác, với văn phong ngắn gọn, súc tích, Marta Rojas đã nói được rất nhiều điều trong tác phẩm của bà. Toàn bộ Vụ án số 37 năm 1953 được bà mô tả kỹ lưỡng, không thiếu một chi tiết nhỏ cùng những câu văn tinh tế, sắc sảo. Trong cấu trúc tuyệt vời, Bản tự bào chữa của Fidel Castro, in nguyên văn trong tác phẩm El juicio del Moncada của Marta Rojas, vừa là sự cáo chung chế độ độc tài Batista (người mà trong thời kỳ cầm quyền, hơn 10 năm, ước tính có khoảng 20.000 người bị giết hại dưới dạng đàn áp chính trị), vừa là dự báo cho tương lai của một nước Cuba mới với tất cả nhiệt huyết cách mạng trên nền tảng của lòng yêu nước, chuộng độc lập và tư tưởng giải phóng dân tộc.